Bản khắc của Dürer Rhinocerus_(tác_phẩm_của_Dürer)

Tranh bút mực về con tê giác, Albrecht Dürer, 1515, British Museum. Phần ghi chép bị nhầm khi ghi con tê giác tới Lisboa năm "1513".[18]

Valentim Fernandes, một thương gia và thợ khắc bản in người Moravia, sau khi nhìn thấy con tê giác ở Lisboa đã kể lại hình dáng con vật trong bức thư gửi cho người bạn ở Nürnberg tháng 6 năm 1515. Một bản sao của bức thư bằng tiếng Ý hiện vẫn còn được giữ tại Thư viện Quốc gia Trung ương ở Firenze (Biblioteca Nazionale Centrale Firenze).[19] Một bức thư khác không rõ tác giả cũng được gửi từ Lisboa tới Nürnberg cùng thời điểm này, có phác họa hình con tê giác của một họa sĩ vô danh. Sau khi đọc bức thư và xem phác họa, Dürer mặc dù chưa từng nhìn thấy tê giác sống, đã vẽ lại hai bức họa bằng bút mực. Một bức sau này thuộc bộ sưu tập của Hans Sloane còn một bức lưu lại ở British Museum. Bản khắc Rhinocerus được thực hiện dựa trên bức họa thứ hai.[20]

Phần ghi chép trên bản khắc bằng tiếng Đức, phần lớn dựa trên tác phẩm của Caius Plinius Secundus[10] như sau:

Vào ngày đầu tiên của tháng 5 năm 1513, vị vua quyền lực của Bồ Đào Nha, Manuel của Lisboa, đã mang về từ đất Ấn Độ một con thú kì diệu; đó là con tê giác. Đây là một minh họa chân thực cho con thú đó. Nó có màu da của một con rùa đốm,[21] một lớp vảy dày bên ngoài bao phủ toàn thân. Con thú có tầm vóc của một con voi nhưng chân ngắn hơn và gần như không có vật gì động được đến nó. Ở đầu mũi nó có một cái sừng nhọn và chắc, lại dùng đá mài cho sắc thêm. Con tê giác là kẻ thù không đội trời chung của loài voi. Voi sợ tê giác, và nếu chúng chạm trán thì con tê giác sẽ húc thẳng vào giữa hai chân trước của voi, đâm thủng bụng voi, trong khi voi không có cách nào tự vệ chống lại được. Bộ giáp và sừng của tê giác quá hoàn hảo khiến cả voi cũng không thể kình được. Người ta nói rằng tê giác chạy nhanh, hung hãn và khôn ngoan.[22][23]

Xét kỹ ra bản khắc của Dürer không hoàn toàn chính xác với cơ thể học của tê giác Ấn Độ. Dürer mô tả con vật với các lớp vảy sừng cứng bao phủ khắp cơ thể như một "bộ áo giáp", một vòng cứng nơi cổ, và một phần giáp ở ngực trông rắn chắn ghim các mấu như đinh tán dọc theo đường nối của các lớp giáp. Dürer cũng "thêm" một sừng xoắn nhỏ trên lưng con vật, tạo cho con tê giác bốn chân có vẩy và phần sau hông có dạng như lưỡi cưa. Những đặc điểm này không hề có trên cơ thể của một con tê giác thực sự.[24][25] Có lẽ một bộ giáp thật đã được vua Manuel I đặc chế cho con tê giác trong cuộc chọi với con voi tại Lisboa, và minh họa của Dürer đã mô tả cả bộ giáp này.[26] Theo một khía cạnh khác thì việc thêm thắt "bộ giáp" của Dürer là lối mô tả các phần vảy sừng dày của tê giác Ấn Độ; hoặc chỉ đơn thuần là sự hiểu lầm và phóng tác của chính tác giả.[27] Dürer còn vẽ cho con tê giác một lớp da dạng vảy cá, có lẽ vì muốn mô tả lớp da gần như không có lông của loài tê giác Ấn Độ vốn có những mấu da dạng mụn cóc bao bọc hai chân trước và phần vai. Mặt khác, phần mô tả da của Dürer có lẽ còn đề cập tới bệnh viêm da ở con tê giác vốn bị nuôi nhốt suốt 4 tháng trên chuyến hải trình từ Ấn Độ về Bồ Đào Nha.[28]

Cùng thời điểm với Dürer, một bản khắc thứ hai được Hans Burgkmair thực hiện ở Augsburg. Burgkmair vốn có quan hệ với các lái buôn ở Lisboa và Nürnberg, nhưng không rõ liệu ông có trực tiếp xem các bức thư và phác họa như Dürer không.[29] Minh họa của Burgkmair có đường nét chân thực hơn so với tác phẩm của Dürer; bức vẽ còn có cả phần xiềng xích của con tê giác.[29] Tuy vậy, bản khắc của Dürer để lại tiếng vang lớn hơn, vượt trội hẳn so với bản khắc của Burgkmair. Cho đến nay chỉ còn duy nhất một bản sao của Burgkmair (lưu giữ tại bảo tàng Graphische Sammlung Albertina, Wien) trong khi tác phẩm của Dürer đã được sao đi sao lại rất nhiều lần. Bản khắc gốc của Dürer năm 1515 được phân biệt bởi 5 hàng chữ chú thích phía trên;[5] các bản sao sau khi Dürer qua đời năm 1528, gồm hai bản thực hiện vào thập niên 1540, hai bản khác thực hiện cuối thế kỷ 16[30] đều có 6 hàng chữ chú thích.[5] Bản khắc gốc sau này còn được sử dụng nhiều lần, dù đã bị mọt ăn nhiều lỗ và nứt một vết ở phần chân của con tê giác.[31]

Phần vảy sừng trên da một con tê giác Ấn Độ thật.Bản in đầu tiên về con tê giác có lẽ xuất phát từ một bản khắc gỗ thô để minh họa cho bài thơ của Giovanni Giacomo Penni xuất bản ở Roma tháng 7 năm 1515. (Biblioteca Colombina, Sevilla).Bản sao Rhinocerus do David Kandel thực hiện cho tác phẩm Cosmographia của Sebastian Münster.Tranh bút mực về con tê giác, Hans Burgkmair, 1515, nay được lưu giữ tại bảo tàng Graphische Sammlung Albertina, Wien.

Mặc dù có nhiều lỗi về cơ thể học, bản khắc của Dürer vẫn nổi tiếng và được coi là một minh họa chính xác về loài tê giác cho tới cuối thế kỷ 18.[25] Các hình vẽ bắt nguồn từ bản khắc này xuất hiện trong nhiều văn bản về khoa học tự nhiên, trong đó có Cosmographiae của Sebastian Münster (1544), Historiae Animalium của Conrad Gessner (1551), Histoire of Foure-footed Beastes của Edward Topsell (1607) và rất nhiều tác phẩm khác. Hình ảnh con tê giác dựa trên bản khắc của Dürer cũng được Alessandro de' Medici chọn làm huy hiệu của ông vào tháng 6 năm 1536 với dòng khẩu hiệu "Non buelvo sin vencer" ("Không trở về nếu không chiến thắng").[32] Một tác phẩm điêu khắc dựa trên Rhinocerus cũng được Jean Goujon thực hiện ở Paris năm 1549 để chào mừng sự kiện Henri II của Pháp đăng quang.[33] Con tê giác cũng xuất hiện trong nhiều tác phẩm hội họa và điêu khắc khác, nó đặc biệt phổ biến thông qua các bức tượng tê giác bằng sứ. Sự nổi tiếng của Rhinocerus vẫn tiếp tục ngay cả khi một con tê giác Ấn Độ thật được đưa tới triển lãm ở Madrid trong suốt 8 năm từ 1579 tới 1587.

Vị trí của Rhinocerus bắt đầu lung lay từ cuối thế kỷ 18 sau khi nhiều con tê giác sống được đưa về triển lãm tại châu Âu, giúp công chúng có được cái nhìn chân thực hơn về loài vật này. Năm 1749, Jean-Baptiste Oudry đã vẽ một bức chân dung khổ thật của con tê giác Clara. George Stubbs cũng vẽ một bức tranh chân dung tê giác lớn ở Luân Đôn khoảng năm 1790. Cả hai tác phẩm đều có độ chính xác cao hơn bản khắc của Dürer và dần đẩy Rhinocerus khỏi vai trò minh họa cho loài tê giác. Bức tranh của Oudry đã được Georges-Louis Leclerc de Buffon sử dụng để minh họa cho bộ từ điển bách khoa nổi tiếng Histoire naturelle.[34] Năm 1790, trong buổi nói chuyện về chuyến thám hiểm đầu nguồn sông Nile, James Bruce đã phê phán Rhinocerus "mô tả đặc biệt sai lầm ở mọi phần" và "là nguồn gốc cho hình dáng quái vật của loài thú này". Mặc dù minh họa loài tê giác trắng ở châu Phi của Bruce có nhiều khác biệt so với tê giác Ấn Độ nhưng nó vẫn cho thấy những đặc điểm khác biệt lớn so với Rhinocerus của Dürer.[35] Tuy vậy cho đến cuối những năm 1930, bản khắc của Dürer vẫn còn xuất hiện trong sách giáo khoa như là minh họa chân thực cho loài tê giác.[3] Trong tiếng Đức, tê giác Ấn Độ cho đến nay vẫn được gọi là Panzernashorn hay "tê giác có giáp". Về mặt nghệ thuật, Rhinocerus tiếp tục có ảnh hưởng đến nghệ thuật hiện đại, một ví dụ điển hình là tác phẩm điêu khắc nổi tiếng Rinoceronte vestido con puntillas do Salvador Dalí sáng tác năm 1956.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Rhinocerus_(tác_phẩm_của_Dürer) http://www.ngv.vic.gov.au/ngvcollection/durer/zoom... http://www.ifi.unicamp.br/~ghtc/rhino1-e.htm http://www.artebr.com/lambelambe/historia.html http://www.contemporarywriters.com/authors/?p=auth... http://www.kdpublish.com/journal/archives/000117.p... http://www.rhinoresourcecenter.com/index.php?s=468... http://penelope.uchicago.edu/Thayer/L/Roman/Texts/... http://penelope.uchicago.edu/holland/pliny8.html http://www.bio.utexas.edu/faculty/jost/hyena.pdf http://www.uhu.es/programa_calidad_literatura_amat...